Kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam: Cháy hết mình để khẳng định vị thế nhà hát quốc gia
VHO- “Đổ bộ” thị trường kịch châu Âu và thế giới; kết hợp dàn dựng, biểu diễn nhiều đề tài tạo sức hấp dẫn với người xem; xây dựng lực lượng đạo diễn và nghệ sĩ trẻ tài năng, tạo nên phong cách riêng cho thương hiệu; giành nhiều giải thưởng xuất sắc tại các liên hoan, nghệ thuật chuyên nghiệp; hợp tác với nước bạn xây dựng sản phẩm mới... Đó là một số trong rất nhiều những bứt phá thực sự ấn tượng của “anh cả đỏ”, “cánh chim đầu đàn” của nền nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam đương đại.
Đoàn công tác của Nhà hát do Giám đốc, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc làm trưởng đoàn có chuyến công tác sang Hàn Quốc để luyện tập và biểu diễn tác phẩm “Bến không chồng”
Ban giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đứng đầu là Giám đốc, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc đã quy tụ và phát huy mạnh mẽ sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, để thế hệ hôm nay của Nhà hát có quyền tự hào khi bước vào mốc kỷ niệm 70 năm thành lập (12.1952 - 12.2022).
Dấu ấn mới tiếp nối quá khứ vàng son
Dịp này, Nhà hát giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật kịch chuỗi chương trình đặc sắc diễn ra từ ngày 8 - 17.12 tại Hà Nội, có thể kể đến: Đêm trắng (cố tác giả Lưu Quang Hà, NSƯT Xuân Bắc đạo diễn); Kiều (nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể, cố đạo diễn NSND Anh Tú dàn dựng); Bệnh sĩ (cố tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Tuấn Hải); Bão tố Trường Sơn (cố tác giả Trương Minh Phương, cố đạo diễn NSND Anh Tú dàn dựng); Điều còn lại (TS Nguyễn Đăng Chương, NSƯT Kiều Minh Hiếu đạo diễn); Người trong cõi nhớ (cố tác giả Lưu Quang Vũ, NSƯT Trịnh Mai Nguyên đạo diễn); Người tốt nhà số 5 (cố tác giả Lưu Quang Vũ, NSƯT Tạ Tuấn Minh đạo diễn); Người yêu hoa hậu (tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Tùng Linh)... Một loạt những vở diễn tiêu biểu với đề tài đa dạng và dàn nghệ sĩ tên tuổi, sáng giá được công diễn liên tiếp đã cho thấy bản lĩnh của một nhà hát tầm cỡ quốc gia, qua đó khẳng định sự chuyển mình đầy đột phá trong giai đoạn mới với sứ mệnh mang nghệ thuật đến gần hơn với khán giả.
Tự hào sau mỗi kỳ cuộc liên hoan, các nghệ sĩ đã mang về những giải thưởng cao nhất cho Nhà hát của mình
Chứng kiến những khó khăn của nghệ thuật biểu diễn gần 3 năm qua mới thấu hiểu và trân trọng hơn nỗ lực mà Ban giám đốc, cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát đã làm. Nhà hát trở thành điểm sáng nổi bật, chung tay cùng toàn ngành văn hóa, tìm đủ mọi biện pháp để vượt qua khủng hoảng bằng những hoạt động thiết thực, tạo sức lan toả mạnh mẽ. Trong các kỳ cuộc liên hoan, trao giải chuyên nghiệp toàn quốc, tác phẩm của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn giành vị trí cao nhất, giữ vai trò tiên phong, điển hình như: Điều còn lại (giải A Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2019); Người tốt nhà số 5 (giải Vàng cho vở diễn, giải Xuất sắc cho đạo diễn, HCV, HCB cho diễn viên tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020); Đêm trắng (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao Giải thưởng Vở diễn xuất sắc năm 2020 cho tập thể, giải Diễn viên Kịch nói xuất sắc cho nghệ sĩ thể hiện hình tượng Hồ Chủ tịch); Điều còn lại và Thiên Mệnh (HCV tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 cho vở diễn xuất sắc nhất, 5 HCV cá nhân, 4 HCB và 2 HCĐ cho diễn viên, 1 giải tác giả xuất sắc nhất); Người trong cõi nhớ (HCV tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần V năm 2022, 2 HCV và 4 HCB diễn viên, giải Họa sĩ xuất sắc nhất)...
Khó có thể kể hết những tên tuổi lừng danh của Nhà hát đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng suốt chặng đường 70 năm qua. Và đến hôm nay, một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu đã và đang phát huy, tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh và được khán giả yêu nhớ, như các Nghệ sĩ Ưu tú: Xuân Bắc, Kiều Minh Hiếu, Lâm Tùng, Trịnh Mai Nguyên, Tạ Tuấn Minh, Phương Nga, Dũng Nam; các nghệ sĩ Lâm Tùng, Quỳnh Hoa, Việt Hoa, Tô Dũng, Mai Hương, Thu Hương, Khánh Linh, Minh Hải, Quang Đạo, Minh Thu… cùng nhiều tài năng khác đang “tỏa sáng” trên sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam và ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh, truyền hình.
Thế mạnh của Nhà hát Kịch Việt Nam đó là luôn có một dàn kịch mục với đề tài đa dạng, phản ánh nhiều góc cạnh của đời sống xã hội.
Mỗi nghệ sĩ là một viên gạch xây đắp thương hiệu
Giám đốc, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc khẳng định: “70 năm qua, các thế hệ của nhà hát đã không ngừng sáng tạo, vươn lên để khẳng định vị trí của một đơn vị sân khấu kịch nói hàng đầu của đất nước. Chúng tôi luôn thấy rõ vai trò, trách nhiệm đối với những thành tựu đã gây dựng, cũng như tiếp tục phát huy để đóng góp vào sự phát triển của Nhà hát và nền nghệ thuật nước nhà”. Giám đốc Xuân Bắc khẳng định, nếu không tạo điều kiện cho đạo diễn trẻ “dụng võ” thì Nhà hát sẽ rất thiệt thòi và đánh mất đi cơ hội thành công cho chính thương hiệu của mình. Chủ trương của Ban giám đốc là mỗi người đều phải làm việc, ai tự tin làm tốt ở lĩnh vực nào, sẽ có cơ hội để “tỏa sáng” ở lĩnh vực đó. Nhà hát còn lựa chọn các đạo diễn trẻ xuất sắc tham gia phối hợp với đạo diễn nước ngoài để dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật như Bến không chồng (đạo diễn Việt Nam NSƯT Lâm Tùng và đạo diễn Hàn Quốc Kim Min Jeong đồng phối hợp dàn dựng) mang lại những ấn tượng đẹp cho khán giả cả hai nước.
Hiện Nhà hát Kịch Việt Nam có một đội ngũ đạo diễn trẻ hùng hậu, năng động, nhiệt huyết, tài năng đã được minh chứng ở các cuộc liên hoan, cuộc thi của ngành nghệ thuật, như: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Phương Nga, Tùng Linh... Bản thân NSƯT Xuân Bắc vừa nắm giữ trọng trách Giám đốc Nhà hát, lại vừa xuất hiện trong vai trò đạo diễn, như ở vở Đêm trắng tạo ấn tượng rất tốt trong cách dàn dựng đầy bản lĩnh về đề tài Bác Hồ.
Nhà hát luôn có những cuộc gặp gỡ trao đổi với báo chí để giới thiệu các chương trình nghệ thuật mới.
Trưởng đoàn kịch Đương đại, NSƯT Trịnh Mai Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi không ngừng học hỏi, từ đời sống đương đại đến đời sống sân khấu thế giới, và cũng không bao giờ giấu nghề, luôn sẵn sàng truyền dạy cho lớp đàn em. Đối với từng vai diễn, các diễn viên được thỏa sức sáng tạo để có màu sắc, cá tính riêng”. Phó Giám đốc Nhà hát, NSƯT Kiều Minh Hiếu “bật mí” về bí quyết tạo nên thành công cho từng tác phẩm, đó là sự khách quan, công bằng của Hội đồng nghệ thuật Nhà hát khi lựa chọn, cân nhắc từng tên tuổi đạo diễn, thành phần sáng tạo cho tới những cái tên nghệ sĩ tham gia. Mỗi tác phẩm không chỉ mang dấu ấn của một cá nhân mà còn có sự trợ giúp và góp ý thẳng thắn, tham gia của cả một tập thể để cùng bồi đắp cho tác phẩm được hoàn thiện.
Những vở diễn gần đây của Nhà hát không chỉ thu hút được đông đảo khán giả trong nước mà còn vượt qua khỏi biên giới, vươn cánh tay khắp các nước châu Âu và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á... PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Khi xem vở Người trong cõi nhớ của Nhà hát, tôi đã lặng lẽ khóc và khi nhìn sang xung quanh, tôi cũng thấy rất nhiều những giọt nước mắt của bạn bè và khán giả đang rơi!”. Thật vậy, những khoảnh khắc làm “tan chảy” trái tim của khán giả chính là thành công và hạnh phúc nhất của người làm nghệ thuật. Điểm qua kịch mục của Nhà hát thời gian gần đây, “gặp lại” Bệnh sĩ, Bến không chồng, Điều còn lại, Người tốt nhà số 5, Bão tố Trường Sơn, Thiên mệnh, Người trong cõi nhớ... cũng đủ để “đong đếm” biết bao cảm xúc của khán giả đã thăng hoa trong từng đêm diễn.
Còn rất nhiều những khát vọng cống hiến, còn biết bao dự định ấp ủ để xây dựng thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam phủ sóng khắp thị trường biểu diễn trong nước và vươn mình ra biển lớn quốc tế.... Tin chắc, với cái tầm, cái tâm của Ban giám đốc cũng như sự đoàn kết, một lòng của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, chắc chắn Nhà hát sẽ không dừng lại để ngồi yên bằng lòng với thành tích trong quá khứ và hiện tại.
Với nghệ thuật, nếu không thích ứng và tự đổi mới thì chúng ta sẽ tự đào thải. Chính vì vậy, chúng tôi đều quan niệm mỗi đêm diễn sẽ là sự sống còn của Nhà hát, cung cấp những vở diễn hay, chất lượng là trách nhiệm đầu tiên để có thể “đỏ đèn”. Cùng với đó là khâu tổ chức biểu diễn, Nhà hát đang xúc tiến để quảng bá thương hiệu và tác phẩm trên các trang web, trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Hiện tại, Nhà hát đã tiến hành số hóa, có mã code QR thuận tiện cho khán giả truy cập thông tin về các chương trình mới nhất và sẽ tiến hành bán vé điện tử để họ có kế hoạch xếp lịch xem. (Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT XUÂN BẮC) |
THÚY HIỀN